Trái Mít Sân Trường

 

Đ.N.Khánh-Vân

 

Ngôi trường của chúng tôi ngày xưa là một trại quân sự  nằm gần một sân bay, sau này nó đã được xây cất lại thành một ngôi trường trung học nhỏ.

Ba năm học ở đó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Vào năm cuối cùng trước khi rời trường trung học, vị trí xếp hàng của lớp tôi được may mắn sắp cạnh bên một cây mít và một cây bàng.  Thân của hai cây này không cao lắm nhưng cành lá của chúng thì lại rất nhiều.  Những tán rộng của chúng xen lẩn vào nhau đã làm thành một chiếc dù thật to, đủ để che cho cả lớp chúng tôi được đứng trong mát.  Nhất là vào những ngày trời nắng oi bức, được đứng giữa hai thân cây, chẳng còn gì sung sướng bằng!.

Từ những ngày mới bắt đầu niên học, chúng tôi đã để ý thấy một trái mít xanh, trái mít duy nhất nằm lẻ loi trên cây.  Với ngày tháng, những cái gai nhọn của nó bắt đầu dang rộng ra.  Màu xanh dần được chuyển sang màu vàng.  Một chút mật tứa ra từ cái cuống nhiểu xuống cành cây.  Mấy đứa đứng sát gốc cứ xù xì hỏi nhỏ nhau, "Mày có nghe mùi mít chín chưa hả?"   Thằng Hổ cứ cố gắng nhướng nhướng lên để chạm được trái mít, nhấn tay vào xem nó đã mềm hay chưa - chắc cũng nhờ ngày nào nó cũng nhón lên để đụng được nàng mít của nó mà nó cao nghềnh ngàng - hình như nó là đứa nóng ruột nhất trong bọn !!  Thế rồi một ngày nọ, đang trong giờ ra chơi, thằng Hổ kêu cả đám lại bàn cách thủ tiêu trái mít.

- "Trái mít hôm nay tỏa mùi thơm quá, tao nghĩ nó đã "tới số" rồi!  Mình phải hái nó thôi tụi bay."  

Hổ vừa cười vừa phân chia trách nhiệm cho từng nhóm:

- "Bích, mày với đứa nào chạy vô căn tin làm bộ ngọt ngào hỏi mượn con dao, mượn sao cho được con nào to to, bén bén.  Làm bộ nói mày đem xoài ở nhà vô, cắt chia cho tụi tao ăn.  Đi đi ..."

Bích cùng Nga, Thư ngoan ngoãn chạy đi.  Thằng Hổ quay lại nói với bọn con trai:

- "Dũng, Phương, hai đứa bay nâng tao lên vừa đủ chiều cao của cuống trái mít.  Tao ‘phập’ một cái thì mấy đứa ở dưới hứng chạy vô lớp ngay.  Đừng hứng hụt, nó rớt dập thì uổng lắm!"

Hiếu, Sơn và mấy thằng con trai khác cười khắc khắc, nói:

- "Lở mày phập hụt thì sao thằng quỷ sứ, ở đó mà lo tụi tao hứng hụt."

Hổ cười dòn dả trả lời:

- "Làm sao mà hụt được, tao ngắm nghía nó mấy tháng nay, ngày nào cũng không quên hỏi thăm sức khỏe và chiêm ngưởng dung nhan của nó, tao thuộc lòng chổ nằm của nó, sợ là sợ tụi bay chụp hụt thôi!"

Thằng Vũ lại thêm vào:

- "Tụi tao không chụp hụt, nhưng lở trái mít nó ghét đứa nào, nó rớt trúng ngay vô đầu đứa đó ... thì kể như tiêu đời trai tráng!  Thôi nhờ mấy nàng dăng tà áo dài ra hứng coi bộ chắc ăn hơn!"

Cả bọn con trai nhốn nháo, khoái chí với lời của thằng Vũ, cười hả hê.  Con nhỏ Thảo phá phách nhất lớp, chuyên môn tháo giày đi chân không trong phòng học, nhảy lên vừa cười vừa nói :

- "Được, được, tao chịu, vậy đứa nào dăng tà áo dài tao ra nhe!"

Lệ quay sang quát Thảo :

- "Thôi đi mày, mày điên hả? Trái mít nặng vậy, lở mà mày té xuống hay là ... áo dài mày bị tuột hết nút ra thì chắc mắc cười dữ ha, không được đâu con quỷ!"

Tôi và đám con gái cũng đồng ý với Lệ, bảo bọn con trai :

- "Thôi vầy đi, mấy đứa bay 'phập' xong rồi hứng nó luôn đi, phần tụi tao là canh chừng cho tụi bay, hể mà thấy gì rụt rịt thì sẽ hê lên ngay."

Tụi con trai đồng ý, thằng Hổ hạ giọng nhỏ nhẹ, đổi cách xưng hô :

- "Được! chuyện gì khó để tụi anh làm, chuyện gì dễ tụi em làm nhe! Hehehe..."

Thằng Hiếu nhìn lại cái áo sơmi ngắn tay của nó rồi nói với Tâm :

- "Tâm mày mặc áo sơmi tay dài, chụp đở đau hơn tao.  Kéo tay áo sơmi mày xuống đi !  Mày với thằng Sơn, Sang, tụi bay ráng chụp cho đúng nghe chưa, chụp hụt thằng Hổ nó đau lòng!"

Thằng Hổ còn hơi lo lo dặn dò thêm một lần nữa :

- "Tụi mày đừng để trái mít lăn long lóc trong sân trường, gây sự chú ý của bà con thì hư chuyện."

Bích, Nga và Thư quay về lớp với con dao khá vừa ý, lưỡi con dao cũng tương đối rộng, hơi dài dài.  Thế là cuộc "chiến thuật" được bắt đầu !!

Mỗi đứa vào vị trí của mình.  Tôi cùng đám con gái đứng tụm vào thành từng nhóm nhỏ, đưa mắt nhìn quanh canh chừng Thầy Cô giáo và nhất là thầy giám thị.  Thầy giám thị chuyên đeo kính râm nên không bao giờ có thể biết được thầy đang "nhắm" vào ai.  Kính của thầy thuộc loại đổi màu tùy thời tiết, nên bọn học trò bí mật đặt cho cái tên "thầy cắc kè".

Thỉnh thoảng tôi cũng liếc mắt theo dỏi bọn con trai.  Mọi chuyện dường như đã diển biến như được sắp xếp trước.  Chỉ trong thoáng chốc, tôi đã thấy chúng nó chạy ào vào lớp, nhìn lên cây mít thì trái mít đã biến mất tiêu.  Oh! vậy là tụi con trai đã xong công việc.

Chúng tôi trở vào lớp thì thằng Hổ đang bổ trái mít làm tư, năm, sáu gì đó.  Cả đám đang chúi đầu vào xem thằng Hổ mổ xẻ "nàng mít" của nó.

Mùi mít bay thơm phức cả phòng học.  Từng múi mít chín vàng rượi hiện ra rõ giữa các xơ trăng trắng ngà ngà.  Hổ nhóp nhép cái miệng gây thèm cho những đứa xung quanh, nó nói Hiếu :

- "Mày ăn thử coi có ngọt không !!"

Hiếu rứt ra một múi, xẻ đôi bỏ nhanh vào miệng, nó nhai ngấu nghiến như chết thèm, nó hơi mỉm cười nhưng vẫn cứ im thin thít. Hổ nóng ruột hỏi lớn :

- "Ngọt không sao nín thinh vậy mày? Chờ coi nó có lăn ra chết không thì mình mới ăn!"

Sau khi kiên nhẫn quan sát thằng Hiếu trong giây lát, cả đám thay phiên nhau lấy một múi. Tôi vừa lấy được một múi, chỉ kịp xé đôi,  mới ăn được một nửa thì tiếng chuông kết thúc giờ chơi đã reng lên.  Cả lớp lính quýnh cất mấy miếng mít vào hộc bàn.  Công nhận mít ngọt thiệt, vị ngọt của mít còn đang tan ra và đi vào cổ họng tôi, ...

Tiết văn của cô giáo chủ nhiệm được bắt đàu.  Cô Hương xuất hiện ở trước cửa lớp với chiếc áo dài xanh.  Cô bước vào lớp trong khi có đứa còn chưa chạy về kịp chổ ngồi của mình.  Hôm nay cô không kêu ai lên khảo bài mà vào ngay bài học.  Cũng may !! Chớ nếu cô gọi ai lên thì chắc đứa nào cũng trả lời "mít" "mít".

Chẳng biết cô có nhìn thấy gì không mà cô cứ đi tới đi lui mĩm cười.  Có lẽ cô đã ngửi được mùi mít đang phảng phất khắp căn phòng và nghĩ thầm bọn học trò này ăn vặt khiếp quá.  Hôm thì lớp học chỉ toàn mùi xoài, nước mắm đường.  Hôm thì mùi khô bò, mực nướng, ... Hôm nay thì lại mùi mít.  Con Thảo lý lắc hỏi cô một cách vô tư khi cô đi ngang qua dảy bàn của nó :

- "Cô ơi, tụi em có mít ngọt lắm, cô ăn không ??"

Cô Hương chỉ mỉm cười rồi đi lên phía bục giảng.

Tôi ngồi ở bàn đầu, nhìn thấy "thầy cắc kè" đang tiến đến phía lớp trong bụng bắt đầu đánh lô tô.

Thầy bước vào lớp, xin phép giáo viên đang đứng tiết cho Thầy nói chuyện với chúng tôi. Cô Hương đi ra ngoài, Thầy giám thị gằng giọng :

- "Người gác gian báo với tôi rằng các anh chị vừa hái mít của trường, có đúng vậy không ??"

Cả lớp im lặng không một tiếng động, không đứa nào nhúc nhích.  Khi Thầy hỏi lại lần thứ hai thì mới có những tiếng trả lời thưa thớt :

- "Dạ phải !!"

Thầy hỏi tiếp,

- "Đứa nào hái ?"

Không ai trả lời câu hỏi của thầy. Thầy bắt đầu bực tức, hỏi tiếp :

- "Thanh lớp trưởng đâu ??"

Cả lớp đồng thanh trả lời :

- "Hôm nay nó vắng mặt !"

Thầy nói tiếp :

- "Lớp phó học tập đâu?"

Tôi vội vàng đứng lên, Thầy quay sang phía tôi nói :

- "Mười phút nữa tôi quay trở lại, tôi yêu cầu các anh chị nói cho tôi biết những ai đã hái mít"

Thế rồi thầy đi ra. Cả lớp xôn xao. Tôi nói với cả lớp :

- "Cùng ăn cùng chịu, không ai khai một lời nào, nhớ nhe hông!"

Hổ lên tiếng :

- "Bất quá thì mình bị phạt phơi nắng, chứ mít ăn rồi, chẳng lẽ mổ bụng mình lấy mít ra sao?!"

Hiếu tiếp theo :

- "Oh!! Không ngờ vợ chồng ông bà gác gian canh chừng trái mít dùm tụi mình mấy tháng nay, hôm nay họ "mất của" nên méc thầy giám thị đó!"

Nó khoái chí vì đã chọc tức được vợ chồng ông bà gác gian nên cười ha hả.

Thầy giám thị trở lại lớp và đặt lại câu hỏi :

- "Sao, ai đã hái mít ??"

Cả lớp vẫn lì lợm im lặng. Thầy quát lớn :

- "Đi ra xếp hàng đứng dưới nắng !"

Chúng tôi ngoan ngoãn đi ra sân xếp hàng theo thứ tự, dỉ nhiên là đứng dưới nắng rồi.  Đã hai mươi phút trôi qua, tán của cây bàng và cây mít xa xa đằng kia. Tiếng chuông kết thúc tiết thứ ba đã reng lên, tiết thứ tư cũng đã được bắt đầu. Thầy Tùng dạy Hóa tiến đến phía lớp, thấy chúng tôi đang bị xếp hàng dưới nắng, Thầy hỏi :"

- "Tại sao bị phơi nắng vậy ?"

Cả lớp nói nho nhỏ :

- "Tụi em hái mít của trường."

Thầy Tùng cười đáp lại :

- "Ai bảo phá quá! Khi nào được tha thì Vân chạy lên nói cho Thầy biết !!"

Thầy Tùng trở lại phòng giáo viên.  Chúng tôi vẫn tiếp tục đứng dưới nắng.  Đã hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, mặt đứa nào cũng bắt đầu đỏ hồng lên. Trên trán của vài đứa con trai lấm tấm vài giọt mồ hôi, nhưng miệng vẫn cứ luôn cười phá phách nhau.  Bọn nó lên tiếng trêu chọc các cô con gái trong lớp :

- "Hái mít cho các nàng ăn nên bị phơi nắng đó thấy không, thôi thì dăng tà áo dài làm dù che nắng cho tụi tôi đi."

Đã hai tiết học trôi qua, giờ chơi thứ hai cũng đã chấm dứt, Thầy giám thị trở lại lớp, Thầy hỏi chúng tôi thêm một lần nữa, nhưng vẫn không một đứa nào lên tiếng trả lời. Thầy thật nghiêm mặt tuyên bố :

- "Không trả lời thì đứng cho đến hết tiết thứ năm!"

Chúng tôi kiên nhẫn đứng dưới nắng đến giờ tan trường.  Đứa nào cũng mệt nhoài nhưng phải chịu bị phạt vì đã phạm lổi "cả gan tự cho phép mình hái trái của trường".  Chúng tôi chỉ ham vui, ham phá phách nghịch ngợm, chứ chẳng hề nghĩ tới kết quả không khả ái này.

Đã bao nhiêu năm tháng trôi qua.  Đứa ra đại học đi làm, đi dạy.  Đứa bôn ba buôn bán làm ăn.  Đứa rời xa bạn bè, xóm làng, quê hương.  Nhưng mỗi năm khi đến ngày sinh nhật của lớp, đó là ngày 12 tháng 5, hầu như tất cả mọi thành viên từ khắp nơi đều tập trung về gặp gở nhau, thăm hỏi chuyện trò.  Biết kỷ niệm "hái mít bị phơi nắng" ngày xưa ai còn nhớ rõ, riêng tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, nó vẫn còn in sâu trong lòng, nhất là khi ở cách xa nghìn dặm ngôi trường thân thương, cũng như Tố Hữu đã nói :

"Khi ta ở đất chỉ là đất chết,

Khi ta đi đất bổng hóa tâm hồn"

Những tiếng cười hôm nao vẫn còn vang lên dòn dã bên tai tôi, hương thơm của mít vẫn còn phảng phất đâu đó trong không gian.

 ~~*~~

 

Một ngày đầu thu 2000

Lyon - Pháp.

ĐNKV